Khó có chuỗi thịt bò sạch

Ngày 30/08/2017
Sự bát nháo của thị trường thịt bò hiện tại khiến các nhà đầu tư xây dựng chuỗi bò sạch từ chăn nuôi đến giết mổ, bán lẻ hết sức ngán ngại
 
Theo Cục Chăn nuôi, về bò thịt, ngành chăn nuôi trong nước mới đáp ứng 75% - 80% nhu cầu nên thời gian qua hàng loạt nhà đầu tư lớn đã tham gia lĩnh vực này với quy mô lên đến cả ngàn con mỗi dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phần lớn chỉ mới bán sản phẩm là bò thịt sống, chưa có thương hiệu thịt bò đến người tiêu dùng.
 
Nhiều trở ngại
 
Ngay cả đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu từ năm 2014 đến nay cũng chỉ bán bò thịt. Theo doanh nghiệp này công bố, năm 2016, xuất bán được 122.740 con, mang lại doanh thu 3.469 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2017 lại đưa ra con số khá khiêm tốn, chỉ 40.000 con, doanh thu 1.240 tỉ đồng. Trong vài lần trao đổi bên lề với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết dự định sẽ xây dựng thương hiệu "bò thịt Gia Lai" nhưng có lẽ vẫn còn trong kế hoạch dài hạn.
 
Người tiêu dùng khi mua thịt bò nói chung vẫn chưa thể biết được đường đi của sản phẩm từ trang trại đến giết mổ, bán lẻ như đối với thịt heo ở kênh phân phối hiện đại đã thực hiện ở TP HCM.
 
 
Vissan - một trong những hệ thống cung cấp thịt được người tiêu dùng đánh giá cao Ảnh: Tấn Thạnh

Theo Chi cục Thú y TP HCM, mỗi ngày TP tiêu thụ 600-700 con trâu, bò nhưng lượng mổ tại TP rất ít, chỉ khoảng 30 con/ngày tại 2 cơ sở giết mổ là Vissan và Xuyên Á. Phần lớn trâu, bò tiêu thụ tại TP HCM được giết mổ ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… rồi đưa về 87 cơ sở kinh doanh thịt trâu, bò sỉ khắp TP.
 
Lãnh đạo một chuỗi bán lẻ thực phẩm nhận định hiện trong ngành thịt bò không có doanh nghiệp dẫn đầu đúng nghĩa, thị phần chia lẻ mẻ khắp nơi. Nguồn bò để đưa vào giết mổ thì chất lượng thượng vàng hạ cám, lượng bò đúng chuẩn để giết thịt không nhiều, rất nhiều bò từ nguồn thải loại (bò già) nên rất khó để xây dựng thương hiệu.
 
Ngay cả khi chủ động được nguồn bò nuôi theo quy chuẩn giết thịt, gần thị trường thì việc đưa vào giết mổ công nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu cũng gặp rất nhiều nút thắt.
 
Đó là trường hợp của Công ty CP Delta (Hóc Môn) có trang trại vỗ béo bò Úc quy mô gần 2.000 con từ cuối năm 2014 và dự án nhà máy giết mổ bò của công ty được UBND TP HCM đưa vào quy hoạch. Theo lộ trình của quy hoạch, từ năm 2018, đây là nhà máy mổ bò hợp pháp duy nhất trên toàn địa bàn.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Daso, chủ quản Công ty CP Delta, thừa nhận công ty không thiếu vốn, chỉ ngán ngại thủ tục hành chính và cạnh tranh bất bình đẳng.Thủ tục xây một nhà máy giết mổ tại TP HCM mất quá nhiều thời gian, có DN mất 7 năm mới xây được nhà máy.
 
Về thị trường, ông Hòa cho biết nhà máy giết mổ hiện đại dự tính giá gia công đến 1,2 triệu đồng/con, trong khi lò mổ ở các tỉnh có nơi thu khoán chỉ 120.000 đồng/con. Trong nhà máy giết mổ hiện đại, chỉ cần phát hiện thịt bò có vết áp-xe là buộc phải bỏ cả con, trong khi mổ thủ công chỉ cần bỏ phần hỏng, còn lại vẫn được phép bán. Đó là chưa kể với lò mổ lậu thì bất cứ bò bệnh, bò chết đều được mổ và bán bình thường. Chi phí quá lệch nhau giữa giết mổ sạch đúng chuẩn với các cơ sở lậu hoặc thủ công làm nhà đầu tư nản chí.
 
Quy định khó thực hiện
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù dự án giết mổ gia súc nằm trong danh mục được ưu đãi đầu tư nhưng riêng mổ bò quy định quy mô đã gây khó khăn cho nhà đầu tư. Cụ thể, theo Nghị định 210/CP năm 2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công suất giết mổ một ngày đêm của mỗi dự án mổ gia súc phải đạt tối thiểu 400 con. Trong khi các dự án mổ heo công suất 1.000 con/ngày là bình thường thì mổ bò 200 con/ngày đã thuộc dạng "khủng" nhưng quy định không tách riêng quy mô heo và bò. TP HCM mỗi ngày tiêu thụ 10.000 con heo, trong khi chỉ 600-700 con bò cho thấy độ vênh của thị trường. Điều này sẽ khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy giết mổ, khâu quan trọng giúp xây dựng chuỗi thịt bò sạch.
 
Ông Lê Đức Duy, Giám đốc điều hành Công ty CP Thanh Nhân Food (đang xây dựng chuỗi thịt bò sạch thương hiệu Halo), cho rằng do sản lượng tiêu thụ thịt bò còn thấp nên ít nhận được sự quan tâm của các cấp quản lý. "Hiện thịt gà, thịt heo đã được hỗ trợ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong khi sản phẩm thịt bò giá cao nhưng người tiêu dùng rất thiếu niềm tin vì chỉ doanh nghiệp tự làm, tự công bố. Tôi mong muốn trong thời gian tới các chương trình truy xuất nguồn gốc mở rộng sản phẩm, trong đó có thịt bò, nhân rộng các điểm bán thực phẩm an toàn, được xác nhận để người tiêu dùng tin tưởng và có thể chấp nhận giá cao mua hàng đúng giá trị " - ông Duy nói.
 
Theo ông Duy, thị trường thịt bò hiện rất bát nháo với tình trạng bò bơm nước trước khi giết mổ, trà trộn thịt trâu đông lạnh bán phá giá thịt bò, người tiêu dùng rất khó phân biệt. Doanh nghiệp xây dựng chuỗi bò sạch luôn chịu chi phí cao hơn so với thương lái kinh doanh hiện nay từ 5% -10% (trong đó có 5% tiền thuế), trong khi rẻ thường là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn.
 
 
Hướng tới sử dụng thịt lạnh
 
Theo các nhà đầu tư, hiện nay thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn là thích thịt "nóng", không thích thịt lạnh khiến việc xây dựng chuỗi cung ứng thịt sạch không hấp dẫn về hiệu quả kinh tế. Việc bán thịt dạng tươi sống khiến áp lực tiêu thụ rất lớn, chỉ trong ngày nếu không bán hết thịt sẽ giảm chất lượng, biến chất phải bỏ đi. Nếu người tiêu dùng thích thịt lạnh như các nước tiên tiến, thời gian bán hàng sẽ dài hơn, giá cả cũng ổn định, không trồi sụt như hàng tươi sống.
 
Ngọc Ánh (Báo NLĐ)