Thách thức cho nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” tổ chức ngày 23/5, ông Herb Cochran - Cố vấn Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ, 15% thực phẩm tiêu dùng của Mỹ được nhập khẩu từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số ca ngộ độc thực phẩm tại nước này hàng năm cũng khá lớn khi có tới 48 triệu người Mỹ (chiếm tỷ lệ 1/6 dân số) bị ngộ độc hàng năm, 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người chết. Để hạn chế rủi ro với người tiêu dùng, Mỹ đã đưa ra Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm hoàn toàn mới, trong đó có những yêu cầu bắt buộc để phòng ngừa các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn, các tiêu chí sản xuất an toàn bắt buộc để doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ.
Theo ông Nestor Scherbey - cố vấn cao cấp Liên minh Thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, nếu nhà nhập khẩu và cả xuất khẩu thực phẩm không đáp ứng được quy chuẩn một cách cẩn thận thì sẽ rất khó để xuất khẩu sang Mỹ. Vì quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của Mỹ được áp dụng từ cuối tháng 5/2017, nên những DN nào chưa chú trọng đúng mức tới quy định mới sẽ gặp phải rắc rối.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định: “Các tiêu chí Global Gap, DN đáp ứng đã khó khăn rồi, hiện Đạo luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn mới được thực hiện với rất nhiều tiêu chí về bao bì, đóng gói, truy xuất, kiểm dịch, lấy mẫu, giám định liên tục, ngặt nghèo... đối với hàng nhập từ thị trường bị cảnh báo khiến cánh cửa cho hàng Việt sang Mỹ ngày càng eo hẹp, khắt khe".
Thay đổi cách sản xuất
Ông Nestor Scherbey cho rằng, vấn đề lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam là khả năng truy xuất nguồn gốc cũng như việc ứng dụng thực hành nông nghiệp tốt còn có những hạn chế nhất định. Điều đó thể hiện sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở Việt Nam. Hiện nay, nông dân mua thuốc trừ sâu, thuốc hóa học không rõ nguồn gốc, chủ yếu đại lý bán như thế nào thì nông dân dùng như vậy. Do đó, phải có giải pháp cho vấn đề này.
Ông Nestor Scherbey thông tin thêm, trong 3 năm trước, số lượng lô hàng nông sản của Việt Nam bị trả về là gần 900, đứng thứ 2 trong các nước có số lượng lô hàng bị trả về nhiều nhất tại Mỹ. Lý do chủ yếu liên quan tới tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này là do sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất của Việt Nam. Thực tế, nông dân không biết loại thuốc trừ sâu nào hiệu quả và điều này cũng một phần từ các thương lái bán thuốc trừ sâu. Họ sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và nghĩ rằng năng suất sẽ cao hơn, nhưng không hoàn toàn đúng. Bên cạnh đó, nếu chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không sử dụng dụng cụ hợp lý thì sẽ xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm. Việc các DN xuất khẩu của Việt Nam không có đủ các phòng thí nghiệm để kiểm tra chính xác về chất lượng sản phẩm cũng là rào cản khi muốn xuất khẩu vào Mỹ.
Theo ông Nestor Scherbey, tại thị trường Mỹ có hai cơ quan chính phụ trách kiểm soát an toàn thực phẩm là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Cụ thể, USDA kiểm tra 100% sản phẩm liên quan tới thịt, gia cầm, sản phẩm sữa và rau quả, còn FDA sẽ kiểm tra các loại sản phẩm nông sản khác. Trước kia, FDA chỉ kiểm tra 2% lô hàng, nhưng bây giờ, với cách tiếp cận mới, họ tăng cường số lượng kiểm tra và càng kiểm tra nhiều thì rủi ro bị trả về càng lớn. Đây là gánh nặng cho những DN phân phối thực phẩm, nhà sản xuất thực phẩm và người nông dân. Đồng thời, DN nhập bán thực phẩm tại Mỹ phải đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ an toàn cho dù họ nhập ở đâu, bao gồm cả Việt Nam. Họ sẽ phải tới nước cung cấp sản phẩm tối thiểu 1 năm/lần và kiểm tra về quy trình an toàn thực phẩm của nhà cung cấp. Hiện nay, Mỹ cũng vẫn chưa nói sẽ tăng cường kiểm tra bao nhiêu phần trăm số lô hàng xuất khẩu sang thị trường này. Đây là rủi ro lớn đối với nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, chúng ta đang đứng trước một thách thức về các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Thay vì chỉ lo kiểm định chất lượng sản phẩm ở đầu ra cuối cùng, thì bây giờ yêu cầu của các nước phát triển là phải thực hiện cả một quy trình có thể ngăn ngừa được rủi ro. Như vậy, các DN phải thay đổi quan niệm và cách thức tổ chức sản xuất chuỗi cung ứng của mình; trong đó, mỗi khâu đều có một tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, giải pháp cần triển khai là từ người nông dân đến DN chế biến đều phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Để hỗ trợ DN sớm thích ứng với các quy định mới, bà Vũ Kim Hạnh kiến nghị: Các cơ quan quản lý của Nhà nước phải nhanh chóng nghiên cứu quy định mới để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, hướng dẫn cụ thể cho DN.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nestor Scherbey cho rằng, việc đầu tiên, các cơ quan quản lý phải có những tìm hiểu cặn kẽ về quy định mới của Mỹ và hài hoà quy định trong nước với quy định thị trường này. Những quy định của Mỹ cũng khá tương đồng so với EU, Nhật Bản…, do đó nếu hài hoà quy định về an toàn thực phẩm của Mỹ với EU, Nhật Bản thì sẽ có nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi các nước.
Ông Herb Cochran - cố vấn Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam: Thời gian để tuân thủ các quy định mới là ngay bây giờ. Amcham cam kết sẽ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xuất khẩu thủy hải sản sang Mỹ, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn không bị gián đoạn.
VEN
- Tin tức liên quan
-
Xuất khẩu gạo: Đừng vì lượng mà quên chất! Ngày 08/07/2017
-
Xuất khẩu hạt điều dự kiến đạt 3,3 tỷ USD Ngày 21/06/2017
-
Giá lúa gạo thế giới sẽ còn tiếp tục biến động mạnh Ngày 22/05/2017
-
Úc sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt với ASEAN năm 2018 Ngày 31/10/2017
-
Xuất khẩu sang Nhật Bản 5 tháng đầu năm 2017 đạt trên 6,5 tỷ USD Ngày 16/06/2017
-
Khó có chuỗi thịt bò sạch Ngày 30/08/2017
-
Con số bất ngờ từ Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 Ngày 27/07/2019