Mất trắng 52 nghìn tấn điều
Năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy, ngành điều đã mất trắng gần 52.000 tấn điều, tức là giảm 17% so với năm trước mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nông dân không kịp trở tay
Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, tại khu vực Đông Nam Bộ và Lâm Đồng, khác với mọi năm, những tháng đầu năm nay đã xuất hiện những trận mưa lớn, đúng vào thời điểm cây điều ra hoa, khiến năng suất cây điều giảm.
Do sự thay đổi bất thường của thời tiết, các bệnh trên cây điều, đặc biệt là bọ xít muỗi đã phát triển thành dịch tại nhiều địa phương và đã ảnh hưởng đến năng suất cây điều. Khảo sát của Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho thấy, dịch xuất hiện nhanh khiến cho nhiều nông dân không kịp trở thay, nên chỉ sau một hai ngày, bọ xít muỗi đã “tàn phá” cả vườn điều.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Phước, năng suất vườn điều của nông dân đã giảm 2,09 tạ/ha (giảm 17,41%) so với năm 2016; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,8 tạ/ha (giảm 15,13%) so với năm 2016; tỉnh Đồng Nai có 19.647 ha, chiếm gần 51% diện tích điều giảm năng suất; tỉnh Lâm Đồng cũng giảm trên 50% năng suất. Bình Thuận vốn xem là cây trồng chủ lực với diện tích là 16.000 ha, nhưng vừa qua đã có 10.000 ha điều bị bệnh.
Điều này làm cho sản lượng điều thu hoạch giảm mạnh. Theo báo cáo từ các Sở NN&PTNT, sản lượng điều năm 2017 ước đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn (giảm 17,07%) so với năm 2016.
Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều và năm 2016, giá trị xuất khẩu điều đã mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD, trở thành một trong những mặt hàng thu về giá trị cao nhất chỉ sau thủy sản và cà phê. Do đó, làm sao để ngành điều phát triển bền vững, không quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trở thành mối quan tâm của cơ quan quản lý vào lúc này.
Để tìm ra giải pháp, giúp ngành điều phát triển bền vững, ngày 1/6, tại TPHCM, Cục Trồng trọt đã tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững mở rộng năm 2017. Mục tiêu của hội nghị khá rõ ràng là chỉ ra những nguyên nhân khiến sản lượng điều trong nước giảm mạnh, và hướng giải pháp trong những năm tới sao cho ngành điều phát triển bền vững.
Xây dựng vùng điều liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp
Nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng diện tích, để người dân có thể sống được với cây điều thì người nông dân và doanh nghiệp phải cùng “bắt tay” với nhau, trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm mới có thể giúp ngành điều phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của Công ty Cổ phần tập đoàn FAN (The Pan Group) cho hay, là một công ty có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nên ông rất mong muốn ngành điều trong tương lai phát triển bền vững. Và để phát triển bền vững, theo ông Trung Anh chỉ còn cách là phải tạo mối liên kết giữa nông dân trồng điều với doanh nghiệp.
Sau khi tham quan và khảo sát nhiều mô hình trồng điều ở Bình Phước, phía The Pan Group nhận ra, phần nhiều diện tích trồng điều của nông dân là từ hạt (cây thực sinh) nên cây điều ra hoa không đồng loạt khiến việc quản lý sản xuất khó khăn, năng suất và chất lượng điều không đồng đều. Do đó, việc liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu sẽ giải quyết được điều này trong tương lai.
Đồng tình với quan điểm đó, đại diện Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAFOOCO) cho rằng, nếu doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng điều để hỗ trợ kỹ thuật thì mỗi năm Việt Nam có thể sản xuất được 600.000 tấn điều thô, điều này, sẽ giúp ngành điều Việt Nam giảm phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu. Không chỉ tăng năng suất, cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng có chất lượng tốt hơn vì so với các quốc gia có trồng điều, chất lượng hạt điều của Việt Nam luôn luôn cao hơn và bán được giá hơn.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lâu nay cây điều được trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc nên năng suất không cao, nên khi những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, người dân có xu hướng chuyển đổi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây điều.
Tuy nhiên, nếu canh tác tốt, người nông dân vẫn có thể cho thu hoạch trên 3 tấn/ha. "Tôi đã đi thăm một số mô hình trồng điều của nông dân và ở đó năng suất lên đến 4 tấn/ha, điều đó chứng tỏ nếu ngành nông nghiệp làm tốt thì năng suất điều trong nước sẽ tăng lên đáng kể", ông Doanh nói.
Đối với mô hình liên kết, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho biết, hiệp hội rất muốn hợp tác với nông dân mà bằng chứng là hiện tại có khoảng 10 doanh nghiệp có ý định kết hợp với nông dân để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà mục đích là để phát triển sản phẩm điều hữu cơ.
Ông Thanh cho biết, doanh nghiệp muốn sản xuất điều hữu cơ thì phải có vùng nguyên liệu. Đây là điều kiện khách quan xuất phát từ nhu cầu thị trường nên sẽ chủ động liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Việc còn lại mà doanh nghiệp mong muốn là cơ quan nhà nước có những chính sách phù hợp, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp mà trước mắt là Bộ NN&PTNT sớm có quy trình chế biến điều an toàn, việc này sẽ giúp ngành điều phát triển bền vững hơn.
Theo Báo Điện tử Chính phủ
- Tin tức liên quan
-
Chăn nuôi gặp khó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng Ngày 20/06/2017
-
Giá lúa gạo thế giới sẽ còn tiếp tục biến động mạnh Ngày 22/05/2017
-
Xuất hiện 3 nhóm hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD Ngày 21/06/2017
-
Xuất khẩu cao su Việt nam tăng vọt Ngày 23/06/2017
-
Xuất khẩu sang Nhật Bản 5 tháng đầu năm 2017 đạt trên 6,5 tỷ USD Ngày 16/06/2017
-
Trung Quốc 'khát' thịt bò, Nhật thấy lo Ngày 30/08/2017
-
Úc sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt với ASEAN năm 2018 Ngày 31/10/2017